Hướng dẫn nuôi ong bền vững

Cùng tìm hiểu 11 nguyên tắc nuôi ong bền vững của chúng tôi

Trong Hướng dẫn Nuôi ong Bền vững này, chúng tôi tổng hợp 11 chỉ dẫn cho những người nuôi ong tập sự và cả những người nuôi ong chuyên nghiệp. Chúng tôi không bắt bạn phải làm theo tất cả những chỉ dẫn này, mà chỉ mong được cho bạn thấy những tình huống và cách làm lý tưởng để chung sống thuận hòa với loài ong.

 

1) Nguyên tắc chung:

Hãy nuôi ong vì lợi ích của ong và coi trọng chúng trước hết là như một loài thụ phấn, và sau đó mới đến loài sản xuất mật..

 

2) Nguyên tắc di trú:

Đừng chỉ cho ong ăn các loại hoa được trồng độc canh. Độc canh cây trồng đòi hỏi phải sử dụng các biện pháp kiểm soát sâu bệnh mà thường là thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ tổng hợp. Những thứ này sẽ đầu độc ong của bạn..

 

3) Nguyên tắc phân loài:

Trong trường hợp bạn quyết định mua ong chúa: Hãy trở thành một chuyên gia về các loài ong mật trước khi mua. Tuy nhiên, lựa chọn tốt nhất sẽ là nuôi các loài ong bản địa hoặc các loài tương tự vốn tương thích với người nuôi ong trong khu vực. Đọc thêm về các loài ong và đặc tính của chúng trong Hướng dẫn về các loài ong mật của chúng tôi.

 

4) Nguyên tắc làm vườn:

Hãy phủ kín khu vườn hay môi trường xung quanh tổ với thực vật giàu phấn và mật hoa. Chúng tôi có một Hướng dẫn về các loài thực vật thân thiện với ong. Cần đảm bảo rằng đàn ong của bạn có đủ chỗ kiếm ăn và/hoặc đủ thực phẩm (các loại mật), nhất là trong khoảng thời gian giữa mùa đông và mùa xuân cũng như đầu mùa hạ. Và tất nhiên, hãy hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp lên cây trồng của mình.

 

5) Nguyên tắc cho ăn:

Tránh cho ong của bạn ăn nước đường, sirô đường hoặc mật ong mua ở siêu thị.

  • Việc cho ăn bất cứ thứ gì không phải mật của chính ong chỉ nên là biện pháp tình thế trong trường hợp cực kỳ khẩn cấp (khi thiếu mật hoa). Điều này cũng tùy thuộc vào vùng khí hậu nơi bạn sống. Thường thì những vùng khí hậu ấm áp sẽ luôn có đủ nơi kiếm ăn cho ong, trừ khi xảy ra hạn hán kéo dài nhiều năm.
  • Ngược lại, vùng núi hoặc những vùng có khí hậu lạnh thường sẽ không có thực vật có hoa để ong kiếm ăn trong một vài tháng nhất định.
  • Không bao giờ dùng mật ong từ các trại nuôi ong hoặc từ siêu thị để cho ong ăn. Loại mật đó có thể chứa vi khuẩn hoặc vi rút từ các đàn khác, và bạn hẳn sẽ không muốn chúng lây lan trong đàn của mình.
  • Hơn nữa, hãy để cho ong tự vượt qua mùa đông bằng chính mật của chúng thay vì cho ăn chất ngọt thay thế. Nguyên tắc chung ở đây là bạn cần chừa lại đủ mật cho ong để không phải cho chúng ăn đường.

 

6) Nguyên tắc thu hoạch:

Chỉ thu mật khi có mật ong dư thừa và khi có đủ nguồn mật hoa.

 

7) ) Nguyên tắc kiểm tra:

Duy trì mùi hương và nhiệt độ trong nhà của ong bằng cách mở tổ chỉ khi thực sự cần thiết.

 

8) Nguyên tắc thương hiệu:

Tạo thương hiệu cho mật ong của bạn:

  • Giúp người tiêu dùng phân biệt được giữa sản phẩm chất lượng cao của bạn và mật ong thương mại được sản xuất hàng loạt. Hãy ghi trên nhãn địa điểm sản xuất mật và đưa vào càng nhiều thông tin về quá trình sản xuất càng tốt.
  • Đặt địa điểm tại nơi có đa dạng loài hoa: Nghĩa là nơi đặt tổ lý tưởng là nơi mà ong có thể tìm được mật và phấn từ nhiều loại hoa khác nhau. Đừng ép ong của bạn sản xuất mật chỉ từ một loại hoa, thay vào đó chúng nên có quyền được chọn.
  • Dùng lọ thủy tinh để đựng mật ong thay vì lọ nhựa.

 

9) Nguyên tắc tổ ong:

Chọn loại tổ ong mô phỏng các khu vực tự nhiên mà ong thường sử dụng, chẳng hạn như thân cây rỗng, các loại hốc, tổ bằng gỗ. Tìm hiểu thêm về các loại tổ ong tại đây.

 

10) Nguyên tắc hun khói:

Tránh việc hun khói ong khi có thể với điều kiện tính cách hoặc chủng loài ong cho phép làm thế. Lý do là vì hun khói sẽ gây ra căng thẳng cho ong. Việc hun khói sẽ thôi thúc ong phải chạy thoát không khác gì khi tổ của chúng đang bị lửa đe dọa. Khi đó ong sẽ cố gắng chất càng nhiều mật hoa/mật ong lên người càng tốt để chuẩn bị cho việc di dời cả tổ sang một địa điểm mới cách xa nguồn “lửa”. Bởi vậy cho nên ong khó lòng chích bạn lúc bạn mở tổ sau khi hun khói: Cơ bản chúng đã quá tải với mật nên không thể chích cho ra hồn. Do đó bạn nên đợi ít nhất 1 phút sau khi hun khói để ong có đủ thời gian truyền tin và chuẩn bị cho việc bay ra.

 

11) Nguyên tắc vệ sinh:

Hãy khiến cho đời sống của ký sinh trùng và dịch bệnh khó khăn hết mức có thể:

  • Đừng đặt tổ quá sát nhau. Khoảng cách tối thiểu giữa các tổ là 1.5 mét. Nếu các tổ được xếp chồng lên nhau hoặc đặt sát nhau, các chú ong bệnh rất có thể sẽ không về đúng tổ và lây bệnh cho đàn khác (và rồi sẽ đến các đàn khỏe mạnh).
  • Cho phép ong sinh sản một cách tự nhiên qua việc chia đàn. Đừng cắt cánh ong chúa. Việc cho phép chia đàn tự nhiên cũng giúp phá vỡ vòng đời của ve bét varroa. Đọc thêm về chia đàn tại đây.
  • Hãy làm theo những thực hành tốt nhất đối với môi trường địa phương bạn để phòng ngừa bệnh dịch tự nhiên. Ở một vài nơi, axít fomic có hiệu quả đối với bét varroa. Hãy trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này, và một trong những việc phải làm là hỏi thăm nhiều người nuôi ong khác nhau quanh khu vực của bạn. Tuy nhiên đừng dùng các chất tổng hợp để kiểm soát dịch bệnh và sâu hại (bao gồm bét varroa).

Chúng tôi hy vọng rằng Hướng dẫn Nuôi ong Bền vững này có ích với bạn. Nếu có bất kỳ câu hỏi hay gợi ý nào, hãy nhắn cho chúng tôi qua trang Facebook Bees4life.