Cách ủ phân hữu cơ bằng phương pháp Berkeley
Ủ phân hữu cơ LÀ GÌ
Định nghĩa: Ủ phân là một quá trình mà vi khuẩn hiếu khí phân hủy chất hữu cơ.
Những vi khuẩn hiếu khí này cần không khí để hô hấp và sinh sôi nên chúng ta sử dụng đặc tính này để nhân số lượng vi khuẩn trong quá trình ủ phân.
Nguyên liệu hữu cơ sẽ được phân huỷ thành những mảnh đất vụn sẫm màu – thứ mà người làm vườn gọi là “VÀNG ĐEN”.
Đây là một loại phân bón rất tốt cho cây trồng.
Vậy thì những nguyên vật liệu nào là cần thiết?
Nguyên liệu ủ phân
Nâu (giàu cacbon) và Xanh (giàu nitơ)
Trong phương pháp ủ Berkeley, hay còn gọi là ủ nóng, chúng ta cần phải đạt đến một tỷ lệ nhất định giữa cacbon và nitơ trong nguyên vật liệu để quá trình được diễn ra một cách hiệu quả nhất.
Nguyên nhân là do những vi khuẩn hiếu khí nêu trên cần chất dinh dưỡng từ 2 nguồn này để để cấu tạo nên cơ thể và sinh sôi nảy nở.
NÂU:
- Các vật liệu có nhiều cacbon thường là vật liệu khô, có màu nâu, chẳng hạn như mùn cưa, bìa cactông, lá khô, rơm rạ, cành cây và các vật liệu, sợi gỗ; phân huỷ chậm
- Những vật liệu này chứa lượng lớn cacbon nhưng ít nitơ, được gọi vắn tắt là hữu cơ nâu, hay “Nâu”
XANH:
-
- Vật liệu có nhiều nitơ thường là vật liệu có màu xanh, ẩm, chẳng hạn như cỏ /cỏ xén, trái cây và rau vụn, phân động vật và lá xanh; phân huỷ rất nhanh
- Những vật liệu này chứa lượng lớn nitơ, được gọi vắn tắt là hữu cơ xanh, hay “Xanh”
TẠI SAO ta ủ phân?
Mục tiêu của chúng ta là một nền kinh tế tuần hoàn, một vòng khép kín, trái ngược với kinh tế truyền thống/tuyến tính.
Kinh tế tuyến tính có thể thấy ngay bây giờ trong cuộc sống hằng ngày: Sử dụng-> Đào thải -> Ô nhiễm môi trường.
Để cứu lấy hành tinh này, chúng ta cần hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tức là: Sử dụng-> Tái sử dụng-> Tái chế-> Sử dụng.
Tất cả các “chất thải” phải trở thành nguồn cung cấp cho một quy trình khác: như sản phẩm phụ hoặc nguyên liệu phục hồi cho một quy trình công nghiệp khác hoặc là nguyên liệu tái tạo cho tự nhiên (ví dụ: phân hữu cơ).
Ai nên ủ phân hữu cơ?
Tất cả mọi người trong chúng ta đều có thể làm được.
Thiết lập khu vực/thùng ủ phân Ở ĐÂU?
- Tránh đặt đống phân ủ ở nơi quá nhiều ánh nắng hoặc có mưa lớn, để tránh phân bị quá khô hoặc bị úng nước và làm chậm quá trình ủ phân.
- Không gian cần thiết cho đống phân của bạn nên vào khoảng 1,5 x 1,5 mét. Phía trước cần có chỗ rộng để đứng khi đảo trộn phân.
- Ở Đà Lạt, với thời tiết đa dạng, có thể che đống ủ bằng một tấm bạt để tránh mưa làm giảm nhiệt độ phân; vì nước sẽ thấm vào trong phần giữa của đống ủ.
- Mặc dù không khí lạnh bên ngoài làm mát bề mặt, nhưng không ảnh hưởng mấy đến phần giữa của đống ủ. Việc phủ bạt lên sẽ ngăn cản sự thất thoát nhiệt từ bề mặt ra không khí bên ngoài và giữ nhiệt trong đống ủ tốt hơn.
Ủ phân như thế nào?
Phương pháp ủ nóng, còn được gọi là phương pháp Berkeley, được phát triển bởi Đại học California, Berkeley.
Đây là một kỹ thuật ủ phân ở nhiệt độ cao, nhanh, hiệu quả và sẽ cho thành phẩm phân hữu cơ chất lượng cao trong vòng 18 ngày.
Yêu cầu:
- Đống ủ cần rộng 1m x 1m và cao khoảng 1,5m
- Tỷ lệ nguyên liệu ủ là 1/3 hữu cơ xanh, 1/3 hữu cơ nâu và 1/3 phân chuồng, tốt nhất là phân bò
- Nhiệt độ phân ủ duy trì trong khoảng 55-65 độ C
- Nếu vật liệu ủ phân chứa nhiều carbon, chẳng hạn như cành cây, chúng cần được cắt hoặc bẻ vụn
- Phân ủ được đảo thường xuyên từ ngoài vào trong và ngược lại để các thành phần được trộn đều
5 bước thực hiện:
- Ngày 1: thiết lập đống ủ, rải thành lớp lần lượt với 3 loại nguyên vật liệu – xanh / nâu / phân chuồng
- Trong quá trình tạo đống, tưới nước từng lớp cho đến khi ẩm; đống phân không được úng và không được khô quá
- Trong 4 ngày tiếp theo – không cần đảo trộn
- Từ ngày 5 đến ngày 18, đảo trộn 2 ngày một lần trong 14 ngày
- Nếu bạn không đảo thì cũng không sao, quá trình sẽ kéo dài lâu hơn – từ 45 đến 60 ngày
- Ngày 18 (hoặc 60): Thu hoạch phân và bón cho đất
Nên nhớ: Đảo trộn thường xuyên và làm thông thoáng khí là bí kíp cho mẻ phân hữu cơ thành công.
Nguyên liệu ủ phân:
- Cỏ cắt tỉa trong vườn (phân huỷ nhanh hơn nếu xén nhỏ)
- Cỏ cắt (sử dụng các lớp mỏng)
- Rác vườn
- Nhánh cây nhỏ dàn phủ ra
- Lá
- Lá thông (những lá này phân hủy rất chậm và làm cho phân có tính axit hơn, chỉ nên dùng nhiều khi làm phân cho việt quất hay cẩm tú cầu)
- Hoa
- Đồ thừa nhà bếp (trái cây và rau)
- Bánh mì, ngũ cốc, gạo, bột mì
- Bã cà phê và túi trà (không phải túi trà nhựa)
- Vỏ trứng (nghiền nát)
- Xiên tre, đũa gỗ, tăm (đã cắt nhỏ)
- Phân động vật ăn thực vật (gà, cừu, bò, phân thỏ, v.v.)
- Lông chim, lông thú
- Giấy báo
- Các tông
- Túi giấy nâu không tẩy
- Mùn cưa và dăm bào gỗ (một lượng nhỏ, tốt nhất nên để chúng ra ngoài trời trước tiên để rửa trôi dầu và làm sẫm màu đi)
- Tro gỗ (một lượng nhỏ, làm nguồn cung cấp kali, nếu nhiều quá chúng sẽ làm cho phân quá kiềm)
Nguyên liệu không nên dùng ủ phân:
- Cây bị bệnh (có thể gây bệnh lây lan trong vườn)
- Cỏ dại độc hại mọc lại từ cành giâm, hạt hoặc rễ
- Phân thú cưng từ những động vật ăn thịt (chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho sức khỏe)
- Cá và thịt vụn, mỡ (sẽ thối rữa, có mùi khó chịu và thu hút các loài gây hại như chuột bọ)
- Các sản phẩm từ sữa (sẽ thối rữa, có mùi khó chịu và thu hút các loài gây hại như chuột bọ)
- Dầu ăn
- Giấy bóng hoặc giấy tráng như tạp chí (chứa hóa chất độc hại)
- Giấy tẩy trắng, ví dụ. giấy văn phòng (chứa các hóa chất độc hại gốc clo không nên ủ)
- Biên lai bán hàng (chứa hỗn hợp các hóa chất độc hại không nên ủ)
- Nhãn dính, chẳng hạn như nhãn trên sản phẩm và bao bì (được làm bằng nhựa và / hoặc chứa hóa chất độc hại trong keo)
- Bụi của máy hút bụi (từng được khuyến nghị, nhưng giờ chứa quá nhiều sợi tổng hợp không thể phân hủy)
- Tro từ than nướng (chứa hóa chất độc hại)
- Các mảnh gỗ hoặc mùn cưa đã qua xử lý (chứa đồng, crom và asen độc hại sẽ làm ô nhiễm đất)
- Các sản phẩm vệ sinh cá nhân, chẳng hạn như khăn giấy, băng vệ sinh (không hợp vệ sinh, có hại cho sức khỏe)
- Thực vật được xử lý bằng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ độc hại (sẽ làm ô nhiễm phân, đất và thực phẩm)
- Cành cây lớn (trừ khi chúng được xén nhỏ trước)
- Vỏ cam quýt và hành tây (có thể sử dụng với lượng rất nhỏ, quá nhiều có thể giết chết vi khuẩn ủ phân)
Bằng cách sử dụng các thành phần phù hợp và theo tỷ lệ chính xác để ủ phân, bạn sẽ dễ dàng tạo ra nguồn cung cấp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng cải thiện cấu trúc và độ phì nhiêu của đất. Có một chút gì đó rất nghệ thuật trong việc ủ phân, vì vậy bạn nên thử nghiệm một chút và tìm ra quá trình phù hợp và hiệu quả nhất cho mình nhé!
Sources:
Vietnamese translation by Clara Phan
Đọc thêm: